Truyền thông đa phương tiện là gì? Cơ hội và thách thức

Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện đại, truyền thông đa phương tiện trở thành là một trong những ngành học được quan tâm và theo đuổi nhất hiện nay. Vậy truyền thông đa phương tiện là gì? Ngành này tạo nên những cơ hội như thế nào và có thách thức gì? Hãy cùng theo dõi qua bài viết dưới đây nhé.

Truyền thông đa phương tiện là gì?

Truyền thông đa phương tiện, trong tiếng Anh là Multimedia Communications là ngành học về kiến thức, kỹ năng liên quan đến việc trình bày, hiển thị thông tin ở nhiều hình thức, với các phương tiện truyền thông khác nhau như mạng xã hội, báo chí, truyền hình, trang web, email marketing…. Ngành học này là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và truyền thông báo chí để tạo ra những sản phẩm truyền thông mang tính sáng tạo, truyền tải nội dung trên đa dạng các phương tiện truyền thông.

Có thể nói, truyền thông là hoạt động trung tâm của hoạt động kinh tế xã hội, đóng vai trò quan trọng với sự phát triển và thành công của tổ chức, doanh nghiệp. Chính vì thế, ngành truyền thông đa phương tiện tạo nên một làn sóng xu hướng lớn, tốc độ tăng trưởng cao và tạo nên nhiều nhu cầu tuyển dụng với mức thu nhập tiềm năng.

Ngành Truyền thông đa phương tiện gồm những lĩnh vực nào?

Với ngành học Truyền thông đa phương tiện, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức nền tảng liên quan đến marketing, thương hiệu, kinh doanh, hành vi khách hàng, đặc biệt không thể thiếu digital marketing. Các kiến thức cơ bản gồm kiến thức về các truyền thông đa phương tiện, sáng tạo nội dung, sự phát triển của ngành truyền thông… Sau khi nắm được nền tảng, sinh viên sẽ được tiếp tục tiếp nhận kiến thức nâng cao và chuyên sâu hơn bằng cách chọn chuyên ngành, bao gồm:

  • Chuyên ngành Quảng cáo
  • Chuyên ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng
  • Chuyên ngành Truyền thông Xã hội

Truyền thông đa phương tiện mang lại những cơ hội việc làm như thế nào?

1.   Sự sáng tạo trong công việc

Khi làm việc trong ngành truyền thông đa phương tiện, bạn có cơ hội được thể hiện sự sáng tạo để tạo ra những nội dung dưới dạng video, banner, poster, ấn phẩm báo chí… một cách đẹp mắt với mục đích thu hút sự chú ý và tạo dấu ấn trong tâm trí khách hàng. Không dừng lại ở đó, bạn được sáng tạo trên nhiều nền tảng truyền thông khác nhau như mạng xã hội, truyền hình, báo chí… Làm việc trong lĩnh vực này, bạn được phép thỏa sức sáng tạo và tạo ra những sản phẩm mang dấu ấn cá nhân.

2.   Nhu cầu tuyển dụng cao, mức lương hấp dẫn

Hầu như các doanh nghiệp, tổ chức đều có nhu cầu quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình, chính vì thế đã tạo ra nhu cầu tuyển dụng cao ở lĩnh vực truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh đó, mức lương cho các vị trí công việc trong lĩnh vực này cũng khá hấp dẫn, khoảng từ 6 đến 23 triệu VNĐ. Mức thu nhập sẽ thay đổi tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm của ứng viên và quy mô của tổ chức, doanh nghiệp.

3.   Môi trường làm việc năng động

Đây là một trong những yếu tố giúp cho ngành học này được nhiều bạn trẻ quan tâm và theo đuổi. Khi học truyền thông đa phương tiện, bạn sẽ có cơ hội được làm việc ở phim trường, studio, phòng thu âm hoặc các sự kiện giải trí, được hợp tác với thương hiệu lớn, làm việc với người nổi tiếng, KOL hay những người có sức ảnh hưởng trong xã hội hay một lĩnh vực nào đó… Đối với nhiều bạn trẻ hiện nay, điều này nghe hấp dẫn hơn rất nhiều so với công việc hành chính văn phòng.

Truyền thông đa phương tiện có những thách thức gì?

1.   Không có giờ làm việc rõ ràng

Giờ làm việc của các vị trí trong lĩnh vực truyền thông đa phương tiện thường linh hoạt hơn so với công việc hành chính văn phòng. Có thể đối với một số người đây là một điểm cộng nhưng điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề như tăng ca, làm việc không phân biệt cuối tuần hay ngày nghỉ, đôi khi khối lượng công việc nhiều khiến khó sắp xếp thời gian cá nhân.

2.   Cần có khả năng làm việc dưới áp lực

Trong ngành truyền thông đa phương tiện, việc công việc được hoàn thành đúng thời hạn là rất quan trọng. Chỉ cần một sản phẩm, giai đoạn làm việc nào đó hoàn thành trễ hơn dự kiến cũng có thể khiến kế hoạch thay đổi, hàng loạt công việc khác bị gián đoạn theo. Nếu bạn làm trong một dự án, chiến dịch có quy mô lớn, việc nhận được lượng công việc khổng lồ với thời hạn ngắn hoàn toàn có thể xảy ra. Vì thế, nếu không có kỹ năng phân chia và quản lý thời gian hợp lý, bạn dễ bị choáng ngợp bởi deadline, dẫn đến căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công việc.